Ngày 14/1, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ bình luận trên RFA Tiếng Việt, “Nghị định 168: kẹt xe tác động đến nền kinh tế thế nào?”.
Tác giả đánh giá, Nghị định 168 được chính phủ Việt Nam đưa ra với các mục đích công khai là chấn chỉnh tình trạng giao thông của quốc gia. Nhưng trái ngược với mục tiêu ban đầu, ít nhất là trên giấy tờ, là giúp cho giao thông được thông suốt hơn, nó lại tạo ra sự tắc nghẽn giao thông kinh hoàng ở những thành phố lớn.
Những thành phố như Hồ Chí Minh hay Hà Nội từ chỗ là những địa phương có kẹt xe cục bộ, tuỳ địa điểm, và thường diễn ra trong giờ cao điểm, giờ đây cả thành phố gần như phải chịu kẹt xe, sự kẹt xe kéo dài lâu hơn và diễn ra cả những giờ thường không phải là cao điểm trong ngày.
Tác giả cho rằng, những mức phạt quá cao của Nghị định 168 đã buộc người dân phải chấp hành một cách nghiêm túc đến độ cực đoan luật giao thông. Tuy vậy, việc gia tăng kẹt xe khi người dân nghiêm túc chấp hành luật giao thông, chỉ nói lên một điều rằng hệ thống giao thông không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Theo Tiến sĩ Vũ, trong ngắn hạn, chính quyền có lẽ chỉ còn 2 chọn lựa. Hoặc là tiếp tục Nghị định 168 và chứng kiến sự kẹt xe kinh hoàng làm ảnh hưởng đến nền kinh tế; hoặc là bãi bỏ Nghị định 168 và chấp nhận nới lỏng các quy định về giao thông để người dân tự giải quyết lấy bài toán di chuyển của mình.
Về lâu dài, chính quyền buộc phải phát triển hệ thống đường sá ở các thành phố lớn, để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân.
Có 2 câu hỏi mà giới làm chính sách kinh tế quan tâm đó là: (1) đâu là những ảnh hưởng của tắc nghẽn giao thông đến nền kinh tế, và (2) chi phí của tắc nghẽn giao thông đến nền kinh tế sẽ là bao nhiêu.
Vẫn theo tác giả, những quan sát kinh tế cho thấy việc tắc nghẽn giao thông tạo ra những ảnh hưởng sau. Thứ nhất là tăng chi phí vận chuyển và hậu cần.
Thứ hai là giảm năng suất lao động – một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba là giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến việc tăng tỷ lệ nghỉ bệnh và giảm hiệu quả làm việc.
Ngoài ra, việc tắc nghẽn giao thông còn có thể có những tác động tiêu cực đến các lĩnh vực khác như du lịch và thương mại.
Tác giả cho biết, cho đến nay chưa có một nghiên cứu đánh giá định lượng nào, về ảnh hưởng của tắc nghẽn giao thông đối với kinh tế, trong trường hợp của Việt Nam. Tuy vậy, để ước định những tác động này, chúng ta có thể tham khảo những đánh giá đối với thành phố Bangkok của Thái Lan, một thành phố được xem là có mức độ tắc nghẽn giao thông hàng đầu thế giới.
Ở Bangkok, trung bình mỗi người dân mất đi 8 ngày mỗi năm vì tình trạng kẹt xe. 8 ngày mỗi năm tương đương với hơn nửa tiếng cho mỗi ngày.
Việc tắc nghẽn giao thông đến lượt nó cũng làm mất đi của Bangkok 15,4 tỷ đô la mỗi năm. Với mức GDP của Thái Lan xấp xỉ 515 tỷ đô la Mỹ, sự thất thoát 15,4 tỷ đô la vì tắc nghẽn giao thông mỗi năm, tương đương với việc mất đi gần 3% GDP.
Một nghiên cứu khác về tắc nghẽn giao thông ở Bangkok chỉ ra rằng, những chi phí xã hội gây ra bởi tắc nghẽn giao thông chiếm khoảng 15 đến 22,9 tỷ đô la Mỹ hàng năm, tức khoảng 3% cho đến 4,5% GDP mỗi năm. Những chi phí xã hội này bao gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, tai nạn giao thông, và biến đổi khí hậu.
Trở lại với trường hợp Việt Nam, trừ khi chính phủ nới lỏng Nghị định 168 để giải toả tình trạng kẹt xe hiện nay, chuyện khủng hoảng tắc nghẽn giao thông, tương tự như Bangkok, có thể khiến Việt Nam mất đi khoảng 3% GDP mỗi năm. Và cũng như Thái Lan, Việt Nam cũng sẽ mất một khoản tương tự cho các chi phí xã hội.
Từ so sánh trên, tác giả kết luận, tác động của Nghị định 168 vì vậy là rất lớn đối với kinh tế Việt Nam.
Ý Nhi – thoibao.de